1.Việt Nam đang trên đà phát triển theo xu thế hội nhập và toàn cầu hoá. Thuận lợi nhiều nhưng cũng không ít khó khăn thách thức. Kiến trúc cũng không nằm ngoài bối cảnh chung đó. Qua gần 30 năm đổi mới, đặc biệt từ khi chúng ta gia nhập WTO, cánh cửa thị trường Việt Nam đã rộng mở, tiếp nhận những thành tựu tiến bộ về khoa học của thế giới, trong đó có kiến trúc quốc tế. Với sự ổn định chính trị xã hội và môi trường đầu tư hấp dẫn, Việt Nam đã và đang thu hút KTS nhiều nước đến làm việc. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kiến trúc nước nhà phát triển, hòa cùng dòng chảy với kiến trúc thế giới. Nhưng điều này cũng làm cho thị trường kiến trúc càng thêm cạnh tranh gay gắt, đầy kịch tính giữa KTS “nội” với nhau và KTS “nội” với KTS nước ngoài. Nhiều công ty, Văn phòng Kiến trúc nổi tiếng của Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Mỹ… đã có mặt tại Việt Nam. Bằng nguồn tài chính dồi dào và năng lực hành nghề trong một thế giới công nghiệp đi trước chúng ta vài chục năm, thậm chí cả trăm năm, các tổ chức tư vấn thiết kế ngoại quốc bước vào thị trường kiến trúc Việt Nam một cách tự tin, đầy kiêu hãnh. Họ nhanh chóng chiếm được lòng tin của các chủ đầu tư – từ trước đến nay vốn “chuộng ngoại”, và sớm khẳng định vị thế của mình qua các cuộc đấu thầu thiết kế, để có trong tay những dự án lớn hoành tráng, với giá thiết kế được trả cao gấp nhiều lần so với KTS “nội”. Như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Nhà Quốc hội, Trụ sở Bộ Công An, Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, Đà Nẵng… các Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Ciputra, Time City, Royal City, Bắc An Khánh…
Đánh giá tình hình phát triển Kiến trúc Việt Nam những năm gần đây, KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đã tỏ ra băn khoăn về khả năng hội nhập quốc tế của KTS nội; về lối ứng xử theo kiểu “sùng ngoại” thái quá của nhiều chủ đầu tư; về kiến trúc đô thị Việt Nam đang bị quốc tế hóa bởi sự xâm nhập nhiều trường phái và hình thức kiến trúc nước ngoài, làm lu mờ bản sắc văn hóa dân tộc… Và một điều rất quan trọng, theo ông, là cho đến hôm nay, nước ta vẫn chưa ban hành được Luật Hành nghề KTS.
Nhiều năm qua, kiến trúc của chúng ta phát triển nhanh về số lượng theo sự tăng trưởng của nền kinh tế và tốc độ đô thị hóa, nhưng về chất lượng, về cái đẹp và văn hóa kiến trúc thì còn nhiều vấn đề phải bàn, phải suy nghĩ. Diện mạo kiến trúc đô thị lộn xộn, lai tạp, thiếu bản sắc; kiến trúc nông thôn truyền thống đang bị phố hóa, đô thị hóa cưỡng bức… đã cho thấy những yếu kém của kiến trúc, quy hoạch. Có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, kể cả những bất cập trong chính sách quản lý xây dựng quy hoạch – kiến trúc, hành nghề KTS …Tất cả đã được Hội nghề nghiệp, cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu và KTS phân tích, mổ xẻ qua nhiều hội thảo với các luận điểm “mới” và “cũ”. Thế nhưng, cuộc sống luôn hối hả, lạc quan hướng về phía trước với các kế hoạch, những chỉ tiêu, những con số tăng trưởng GDP đầy hấp dẫn, cùng các dự án có quy mô lớn về phát triển đô thị, khu công nghiệp, du lịch – nghỉ dưỡng… với vốn đầu tư hàng trăm, hàng ngàn triệu USD. Các công trình cao tầng có chức năng thương mại, khách sạn, văn phòng, chung cư cao cấp…kiến trúc đa phong cách, hiện đại và xa lạ rất nhanh chóng mọc lên trong các thành phố lớn và nhỏ, trong các khu đô thị mới và cũ… Còn câu trả lời về “bản sắc dân tộc” của kiến trúc Việt Nam hiện đại, hành trang để đi ra thế giới, thì vẫn ở đâu đó xa xăm lắm…(?!). Phải chăng, trong khi nhân loại đang bước vào thời kỳ hậu công nghiệp, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, của kỹ thuật số, với sự giao thoa của các nền văn hóa khác nhau trong một thế giới phẳng, thì KTS Việt Nam vẫn lúng túng, không thoát ra khỏi cái bóng đầy ám ảnh của các xu hướng “giả cổ”, “nhại kiến trúc Pháp”… hay lối sáng tác trung dung theo kiểu “nửa tây-nửa ta” quen thuộc của chính mình, để hướng đến một cuộc cách mạng mới trong kiến trúc đang diễn ra trên toàn cầu. Đó là “ Kiến trúc sinh thái – Kiến trúc môi trường – Kiến trúc xanh!”.
2. Đội ngũ KTS của chúng ta hiện nay khá đông (trên dưới 16000 người), nhưng chưa mạnh. Các tổ chức tư vấn kiến trúc có đến hàng ngàn, nhưng lại manh mún, nhỏ lẻ và hành nghề chủ yếu ở các đô thị lớn, các trung tâm kinh tế phát triển như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương… KTS Việt Nam vốn thông minh, ham học hỏi và tiếp thu cái mới rất nhanh (kể cả bắt chước), nhưng phần rất lớn không được đào tạo chuyên sâu, thiếu tính hợp tác và kỹ năng nghề nghiệp. Thực tế đã cho thấy, trước nhiều dự án có tầm quốc gia, hay những công trình phức hợp đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, vật liệu hiện đại thì thường lúng túng, dễ bị ngợp dẫn đến thiếu tự tin trong sáng tác (?!).
Những KTS thành danh có nhiều tác phẩm, từng đạt Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia và Quốc tế, như Nguyễn Tiến Thuận, Lê Hiệp, Khương Văn Mười, Lương Anh Dũng, Nguyễn Thúc Hoàng, Vũ Hồng Hải, Đặng Kim Khôi, Nguyễn Trường Lưu, Nguyễn Văn Tất, Hồ Thiệu Trị, Hoàng Thúc Hào …dường như vẫn chưa thể có bước đột phá trong sáng tạo, cũng như tầm ảnh hưởng trong giới kiến trúc để làm nên phong cách, trường phái. Tuy nhiên, trong khoảng mười năm trở lại đây, có một cái tên nổi lên như một hiện tượng của nền kiến trúc đương đại nước nhà, đó là Võ Trọng Nghĩa. Sinh năm 1976, Võ Trọng Nghĩa được đào tạo KTS ở Học viện Kỹ thuật Nagoya và tốt nghiệp thủ khoa năm 2002. Hai năm sau, nhận bằng Thạc sỹ loại ưu tại Trường đại học Tokyo (Nhật Bản). Năm 2007, KTS Võ Trọng Nghĩa bắt đầu được dư luận trong nước biết đến qua tác phẩm kiến trúc đầy tính sáng tạo và độc đáo: Quán “Café Gió và Nước” xây dựng tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Đây là công trình đầu tiên của Nghĩa tại Việt Nam được thiết kế ứng dụng nguyên tắc khí động học và theo xu hướng “Kiến trúc xanh”, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, và sử dụng hoàn toàn vật liệu Tre. Sự xuất hiện của “Café Gió và Nước” đã đem đến cho kiến trúc nước nhà lúc bấy giờ một luồng gió mới, gây hiệu ứng mạnh mẽ trong giới KTS, nhất là với sinh viên Kiến trúc và các KTS trẻ. Không những thế, ngoài giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, tác phẩm này được Võ Trọng Nghĩa gửi tham dự các cuộc thi Kiến trúc Quốc tế và đã nhận được nhiều Giải thưởng lớn, như: Huy chương vàng của Hiệp hội KTS châu Á (ARCASIA) 2007-2008, Giải Nhất Kiến trúc xanh tương lai 2011(Green Good Desing), Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế 2008 (International Architecture Awards-IAA) của Mỹ. Bắt đầu từ đây, hình ảnh người KTS trẻ Việt Nam Võ Trọng Nghĩa cùng với hàng loạt tác phẩm kiến trúc xanh độc đáo của anh luôn được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông trong nước và được tôn vinh tại các sân chơi lớn của kiến trúc thế giới. Tính đến nay, Võ Trọng Nghĩa đã được trao hơn 30 giải thưởng Kiến trúc Quốc tế. Năm 2012, anh được Tạp chí Kiến trúc nổi tiếng của Mỹ Architecture Record trao giải thưởng Nhà thiết kế Tiên phong (Design Vanguard) và bình chọn vào danh sách 10 KTS trẻ tiêu biểu có ảnh hưởng đến kiến trúc thế giới trong tương lai. Và gần đây, công trình “House for trees” gồm cụm 5 ngôi nhà của anh với những cây cổ thụ được đặt phủ xanh trên mái (TP HCM), đã vượt qua hàng ngàn công trình kiến trúc trên thế giới để đoạt Giải thưởng duy nhất “AR House Award 2014”, do Tạp chí Kiến trúc Architectural Review, một Tạp chí lâu đời và uy tín của Anh trao tặng. Có thể nói, Võ Trọng Nghĩa là một trong số rất ít người dũng cảm, tự tin khi dấn thân vào hội nhập kiến trúc quốc tế. Và theo tôi, đến thời điểm này, Võ Trọng Nghĩa đã tạo dựng được một thương hiệu, một phong cách kiến trúc riêng rất Việt Nam, là người đưa “Gió – Nước – Ánh sáng – Không khí” vào công trình một cách đặc sắc, đầy ma lực và hiệu quả. Anh cũng là người duy nhất đạt nhiều thành công khi đưa tác phẩm của mình ra nước ngoài, được giới KTS quốc tế đón nhận và tôn vinh. Hiện nay Võ Trọng Nghĩa và Công ty mang tên anh vẫn đang lặng lẽ, kiên nhẫn đi “chinh phục” thế giới và đứng vững trên thị trường kiến trúc đầy phức tạp, rủi ro của nước nhà, bất chấp những thành kiến và cả định kiến của nhiều người trong giới KTS, trước những sáng tạo mới mà anh cùng các cộng sự đang theo đuổi.
Trong môi trường kiến trúc phức tạp và khó khăn như hiện nay, thì tại các văn phòng tư vấn thiết kế nước ngoài ở Việt Nam, đang có nhiều KTS Việt làm việc với mức lương được trả khá cao bằng ngoại tệ mạnh. Đó là những người trẻ trên dưới 30 tuổi, được đào tạo tại các Trường đại học Kiến trúc, Xây dựng trong và ngoài nước. Nhiều người đã đi tu nghiệp, học cao học tại các nước có nền kiến trúc phát triển như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Mỹ… Họ đã và đang cùng các KTS ngoại quốc thực hiện nhiều công trình, dự án lớn không chỉ của Việt Nam mà còn ở các nước khác. Trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại và kỷ luật, luôn được cập nhật kiến thức mới và mang tính hợp tác cao này, họ đã học hỏi, tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ những đồng nghiệp ngoại quốc để trưởng thành qua từng dự án cụ thể.
Phải chăng đây cũng là sự lựa chọn khôn ngoan của nhiều KTS trẻ mới ra trường, trước khi “độc hành” trên con đường sáng tạo đầy gian khó ?!
3. Hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu để quốc gia phát triển, trong đó có Kiến trúc. Nhưng để có thể tham gia hội nhập một cách chủ động, bình đẳng, tự tin và không bị lệ thuộc, thì KTS phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Bắt đầu từ đào tạo trên giảng đường đại học, cho đến kỹ năng nghề nghiệp, khả năng tiếp cận và tiếp nhận cái mới sau khi ra trường.
Cuộc sống luôn vận động như dòng sông thao thiết chảy không bao giờ ngơi nghỉ. Lao động sáng tạo cũng vậy. Thành công không đến với những ai chỉ biết than vãn, hay luôn tự thỏa mãn với những gì mình đang có.
Kiến trúc Việt Nam sẽ hội nhập và vươn ra thế giới, khi đã đứng vững và tỏa sáng ngay trên đất nước mình!
KTS Phạm Thanh Tùng